Khajuraho là một thị trấn thuộc quận Chhatarpur bang Madhya Pradesh - Ấn Độ. Đó là một thị trấn nổi tiếng trên khắp thế giới bởi một quần thể các ngôi đền Khajuraho - một di sản thế giới được chứng nhận bởi UNESCO.
Tuy nhiên, nó cũng đã từng bị chìm lấp
nhiều thế kỷ trong rừng sâu, tưởng như đã hoàn toàn bị bỏ quên. Và lịch
sử đôi khi cũng khá tàn nhẫn do sự lãng quên như thế. Quần thể 85 ngôi
đền tuyệt tác ở Khajuraho cũng chung số phận bị bỏ quên trong 8 thế kỷ.
Cho đến một ngày – số phận quần thể các ngôi đền Khajuraho vào năm 1839
đã được thay đổi bởi một công binh Hoàng gia bang Bengal, thuộc chính
quyền thực dân Anh, tình cờ phát hiện ra một quần thể đền giữa chốn rừng
sâu thẳm.
Lịch sử phương Ðông thường miêu tả dân tộc mình qua các truyền thuyết,
các huyền thoại từ thủa sơ khai, hoặc thể hiện câu chuyện dưới dạng
tranh tường trong đền chùa, trong điêu khắc gỗ hoặc điêu khắc đá. Ðây
cũng là một khả năng nghệ thuật kỳ diệu của người Ấn Ðộ. Những bức chạm
khắc của khu đền là một phần của thiên sử thi do những ông vua triều
Chandella ở miền Trung Ấn cho xây dựng vào khoảng thế kỷ X và XI.
Đến tận ngày nay người ta vẫn chưa hết kinh ngạc về sự khéo léo, tinh
tế của bàn tay những người thợ tài hoa cách đây 10 thế kỷ. Những nhóm
tượng có miêu tả cuộc sống đời thường mang tính sắc dục làm giật mình
biết bao du khách thời hiện đại.
Khajuraho hiện tại chỉ còn 22 đền trong tổng số 85 ngôi đền. Khắp bề
mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên tới tận đỉnh tháp, là những bức
tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt mọi mặt của người Ấn Ðộ. Từ cảnh ăn
chơi xa hoa của vua chúa trong hoàng cung cho đến cảnh lao động, học
hành tu tập, thuần hóa thú dữ... Những hình chạm trổ trên đá về vũ nữ
apsara trên thiên đình hay hình những thiếu nữ đồng trinh tuyệt đẹp xuất
hiện trên đỉnh cột của các đền đài. Đó chính là kiến trúc cổ Ấn Ðộ và
là một trong những cống hiến to lớn cho kho tàng văn hóa nhân loại.
Theo Báo Xây Dựng