Tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn, đây là nhận định của Bộ Công Thương tại cuộc giao ban thường kỳ quý I/2013ngày 1/4.
Quý I/2013, mặc dù sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng ở mức
thấp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%, thấp hơn
so với mức tăng 5,9% cùng kỳ năm trước.
Sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, theo Bộ Công
Thương, là nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu có tác
dụng. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thị trường các mặt
hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, đá, cát sỏi…
Hơn nữa, thời gian tới khi bước vào mùa hè, các ngành như sản xuất
điện, thiết bị điện, điện lạnh, đồ uống sẽ tăng mạnh. Hiện các doanh
nghiệp trong nước đã có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu phục
vụ sản xuất.
Đối với ngành da giày, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh
nghiệp tương đối khả quan. Hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định,
trong đó các doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến hết quý III năm nay.
Sản lượng giày, dép da 3 tháng đầu năm ước đạt 53,5 triệu đôi, tăng
12,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 2,46 tỷ
USD, trong đó riêng xuất khẩu giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với
cùng kỳ.
Tương tự với ngành Dệt may, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến
Trường cho biết mặc dù thị trường nội địa gần như không tăng trưởng
nhưng thị trường xuất khẩu đã phục hồi, các đơn hàng đã ký đượcđến hết
quý II.
Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam, xuất khẩu quý II sẽ tiếp tục tăng
trưởng 20% ở nhiều doanh nghiệp thành viên, trong khi các doanh nghiệp
khác đang đàm phán các đơn hàng lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, mặc dù
Chính phủ rất kịp thời ban hành các Nghị quyết 01, 02 ngay từ đầu năm
và Bộ Công Thương cũng đã có các chương trình cụ thể để tháo gỡ cho sản
xuất nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp vẫn còn nhiều.
Trong đó, tiếp cận vốn và lãi suất cao vẫn là vướng mắc lớn nhất đối
với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnhđó, thị
trường xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức với rào cản kỹ
thuật.
Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, hiện diện tích nuôi cá tra ở
đồng bằng sông Cửu Long đã thu hẹp 1/3 do giá cá tra giảm nên các doanh
nghiệp hết sức khó khăn.
Xuất khẩu gạo cũng được một số ý kiến đề nghị cần tháo gỡ về giấy phép
xuất khẩu cho các doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo. Theo đó, đối
với doanh nghiệp tự khai thác được các hợp đồng xuất khẩu gạo vào các
thị trường Việt Nam chưa vươn tới hoặc doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm
gạo đồ nên cho phép các doanh nghiệp này được xuất khẩu, thay vì hạn chế
đầu mối như hiện nay. Việc hạn chế đầu mối xuất khẩu gạo chỉ nên áp
dụng ở các thị trường tập trung.
Tại cuộc họp này, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết trong
tháng 4, sản lượng điện dự kiến ở mức 368 triệu kWh/ngày, cao hơn tháng 3
là 6 triệu kWh/ngày, nhưng Tập đoàn hoàn toàn đảm bảo cung ứng đủ.
Theo Chinhphu.vn